Phí đường cao tốc lại ca bài tăng giá

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc điều chỉnh mức thu phí tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Theo đó, mức phí trên tuyến cao tốc này có thể tăng thêm 500 đồng/xe tiêu chuẩn/km.

Theo lí giải của VEC, việc tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí trượt giá. Tính từ năm 2011 đến nay, chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng khoảng 21% so với thời điểm đưa dự án vào khai thác. Ngoài ra, VEC cũng vừa đầu tư thêm lớp bê tông tạo nhám với giá trị 589 tỷ đồng.
 
Phí đường cao tốc
Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do thiết kế trạm thu phí không đồng bộ với tốc độ di chuyển trên đường. (Ảnh Báo Giao thông)
Hiện mức phí được VEC thu trên đầu phương tiện ô tô là 70.000 đồng mỗi lượt, riêng xe tải - container từ 100.000 đồng đến 280.000 đồng, đang ở mức là 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, dự kiến ngày 15/5 mức thu phí tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình lên mức 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km.
 
Tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, thông xe toàn tuyến vào ngày 30/6/2012. Theo thống kê của VEC, từ khi đưa vào khai thác tạm năm 2012 đến tháng 3/2016, tuyến đường đã có khoảng 26 triệu lượt phương tiện qua lại. Tổng vốn đầu tư của dự án là 8.974 tỷ đồng theo hình thức BOT. Từ ngày 20/2 các phương tiện đi trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình được phép chạy tốc độ tối đa lên 120 km/h. Mặc dù vậy, tuyến cao tốc này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong các ngày nghỉ hay dịp lễ Tết tình trạng tắc nghẽn hàng cây số, kéo dài trong nhiều giờ. Nguyên nhân được cho là quy trình thu phí tại các trạm có quá nhiều công đoạn khiến phương tiện phải dừng tại trạm lâu. theo tính toán của chủ đầu tư, trung bình mỗi xe qua trạm thu phí mất 20 giây (một con số lý tưởng). Bình quân mỗi làn xe chỉ cho 180 xe đi qua/giờ. Trong khi đó, mỗi ngày 23.000 lượt xe qua cao tốc, ngày cao điểm lên 35.000-40.000 lượt xe.
 
Không chỉ vậy, trong năm 2014, nhiều đơn vị cá nhân bị Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm do những sai phạm trong khảo sát, thiết kế, thi công khiến mức đầu tư Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình tăng từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng (khoảng 2,5 lần), không ít mẫu bêtông nhựa loại hạt trung và hạt mịn trên tuyến cao tốc đều không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến độ cao mặt đường ở một số gói thầu thấp hơn yêu cầu tới gần 17 cm. Sau 5 tháng thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bắt đầu bong tróc, xuất hiện ổ voi, ổ gà, đá dăm lổn nhổn.
 
Hệ thống cao tốc mở để phục vụ giao thông công cộng, tuy nhiên, dường như các đơn vị quản lý các công trình này đang vô tình hãy hữu ý mà quên đi mục tiêu chính này để rồi chỉ chăm chăm tận thu. Công trình chưa đảm bảo chất lượng, vận hành kém, nhưng liên tục lấy lý do để tăng phí, khiến cho người dân phải oằn mình gánh phí chồng phí đánh trên các phương tiện. Chỉ tính riêng một người hằng ngày đi làm từ Hà Nội về Ninh Bình sẽ phải trả tối thiểu là 140 nghìn đồng tiền phí cầu đường, chưa kể tiền xăng cũng được tính bao gồm cả phí đường bộ. Phí cầu đường tăng, dẫn đến cước vận tải tăng, hiển nhiên giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Và như vậy, tiêu dùng của người dân càng trở nên đắt đỏ. Quả là một nghịch lý khi giữa thời buổi kiếm tiền vô cùng khó khăn như hiện nay, người dân phải nộp nhiều loại phí, lại ở mức cao trong khi thu nhập bình quân của người Việt đang ở mức thấp. Chẳng hóa ra, các công trình công cộng chẳng phải để phục vụ người dân.