Phí đường bộ tại các trạm thu phí BOT tăng mạnh từ 1/2016

Các trạm thu phí BOT trên toàn quốc từ ngày 1/1/2016 đồng loạt tăng giá vé ở mức cao. Như vậy là sớm 6 tháng so với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng phù hợp với yêu cầu của Bộ Tài chính đang quản lý ngân sách bị thâm hụt khá lớn.

Đồng loạt tăng giá tại trạm thu phí
 
Phí đường bộ qua QL5 cũ tăng gấp 2-3 lần từ ngày 1/1/2016 và dự kiến tiếp tục tăng từ ngày 1/4/2016
Từ ngày 1/1/2016, Trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An) đã chính thức tăng giá vé. Theo đó, giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 30.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn tăng từ 40.000 đồng/lượt lên 60.000 đồng/lượt. Xe 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 50.000 đồng/lượt lên 75.000 đồng/lượt.
 
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet tăng từ 160.000 đồng/lượt lên 180.000 đồng/lượt. Đại diện trạm thu phí cầu Bến Thủy cho biết, đơn vị tăng phí đúng theo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ Trạm thu phí cầu Bến Thủy và Trạm thu phí cầu Bến Thủy II của Bộ tài chính.
 
Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 cũng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin thu phí đường bộ tại Trạm thu phí Cam Thịnh để hoàn vốn cho Dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa. Cũng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Công ty CP Đầu tư BOT đèo Cả Khánh Hòa vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép thu phí đường bộ tại Trạm thu phí Ninh An từ ngày 10/1/2016 để hoàn vốn cho Dự án.
 
Còn trên tuyến QL5 Hà Nội - Hải Phòng, mức phí đường bộ cũng đã tăng vọt kể từ ngày 1/12/2015, thấp nhất là 30.000 đồng/lượt và cao nhất là 160.000 đồng/lượt. Theo thông tư mới của Bộ Tài chính, mức phí trên QL5 sẽ tiếp tục tăng sau ngày 30/3/2016, thấp nhất là 45.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt.
 
Ngày 25/12/2015, Bộ GTVT đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính và các doanh nghiệp có liên quan đề nghị những trạm có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016 lùi đến 1/6/2016. Tuy nhiên, lại không đề cập đến 10 trạm thu phí hoàn vốn các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016 được áp dụng mức thu phí 35.000 đồng/lượt/xe (có hiệu lực từ 1/1/2016 trở đi).
 
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản “bác bỏ” đề nghị này vì lý do hoàn vốn. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng lên tiếng kêu khó khăn và ảnh hưởng đến khoản vay ngân hàng.
 
Tuy nhiên, câu chuyện minh bạch trong vấn đề thu phí lại vẫn chưa… minh bạch. Mới đây nhất là chuyện xảy ra ở trạm thu phí Quán Hầu. Nhiều phương tiện không lưu thông trên tuyến tránh quốc lộ 1A qua Quảng Bình nhưng phải nộp phí - đã tăng từ 20.000 lên 35.000 đồng/xe 4 chỗ áp dụng từ đầu năm 2016. Chưa hết, nhiều chủ đầu tư còn nảy ra sáng kiến: một trạm thu cho ba bốn tuyến đường khác nhau. Kết quả là, có những xe đi một đoạn ngắn, hoặc chỉ đi một tuyến đường bị thu phí, lại vẫn phải trả phí cho cả 2, 3 tuyến đường. Đó là chuyện ở trạm thu phí Điện Thắng sau khi bỏ thu phí ở hai trạm Nam hầm Hải Vân và Hòa Phước, trạm thu phí đoạn quốc lộ 1 Đông Hà - thị xã Quảng Trị thu phí gộp cho cả đoạn quốc lộ 1 từ Đông Hà đến Gio Linh, còn trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân thu cho cả dự án hầm Phú Gia và Phước Tượng.
 
Đây có lẽ là một phần lý do vì sao mà các doanh nghiệp vận tải vẫn trì hoãn giảm giá cước bất chấp giá xăng liên tục giảm, khiến cho chi phí đi lại ở Việt Nam vẫn muôn năm… cao, vượt trên nước có thu nhập bình quân đầu người gấp hàng chục lần nước ta như Mỹ.
 
“Hiện, một số hàng hóa trong nước muốn điều hòa ngay ở trong nước cũng khó khăn vì chi phí phí vận tải còn cao.”
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng