Những đợt triệu hồi xe “đình đám” nhất thị trường Việt năm 2017

Triệu hồi xe dường như đã trở thành “một phần tất yếu” của ngành công nghiệp ôtô thế giới nói chung và thị trường Việt nói riêng. Trong năm vừa qua, những đợt triệu hồi xe “đình đám” nhất gắn liền với các tên tuổi như Toyota, Mitsubishi, Nissan, Honda, Ford và Mercedes-Benz.  

Xe Toyota Vios 2012
 
Toyota
 
“Đen đủi” nhất phải kể đến Toyota Việt Nam khi hãng triệu hồi hơn 20.000 xe Yaris và Vios vào tháng 8/2017 để thay thế cụm bơm túi khí của hãng phụ tùng Takata. Trong số đó có 18.138 xe Vios lắp ráp trong nước, 1.877 xe Yaris nhập khẩu.
 
“Cơn bão túi khí” giống như cơn ác mộng đối với hàng loạt “ông lớn” của ngành công nghiệp ôtô thế giới và các tên tuổi tại thị trường Việt cũng không ngoại lệ. Do được sản xuất không đúng tiêu chuẩn, thiết bị có thể xuất hiện hơi ẩm sau một thời gian sử dụng. Trong trường hợp xảy ra va chạm, cụm bơm túi khí gặp sự cố có nguy cơ làm văng các mảnh kim loại vào người ngồi trên xe.
 
Bê bối khiến Takata “lao đao” suốt một thời gian dài. Sau khi đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Nhật Bản và Mỹ, hãng đã chính thức phải “bán mình” cho Key Safety Systems (KSS) - một đối thủ thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc với giá 1,6 tỷ USD.
 
Mitsubishi
Xe Mitsubishi Pajero Sport
 
Ngay sau Toyota là Mitsubishi với số lượng bị triệu hồi vượt mốc 6.700 xe. Tháng 10/2017, hãng xe Nhật Bản công bố đợt triệu hồi liên quan đến 2.519 chiếc Pajero gặp lỗi ở cụm bơm túi khí hàng ghế trước.
 
Nằm trong đợt triệu hồi phải có tới 5 loại xe khác nhau được sản xuất trong khoảng thời gian 2007-2016. Chương trình bắt đầu từ ngày 1/11/2017 và dự kiến kéo dài đến cuối tháng 10/2019. Theo ước tính, thời gian để khắc phục sự cố trên mỗi phương tiện từ 0,5-2 giờ đồng hồ.
 
Trước đó không lâu, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo triệu hồi 4.218 xe Mitsubishi Outlander Sport và Pajero Sport do vấn đề nằm ở hệ thống giảm chấn cửa sau.
 
Nissan
 
Xe Nissan Navara
 
Trong năm qua, nhà phân phối chính thức của Nissan tại Việt Nam cũng đã công bố đợt triệu hồi hơn 3.000 xe bán tải Navara do lỗi liên quan đến cụm bơm túi khí.
 
Thuộc diện triệu hồi là 3.073 xe bao gồm phiên bản LE và XE  nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, thời gian sản xuất tháng 9/2010 đến tháng 12/2014. Đợt triệu hồi có hiệu lực từ ngày 20/12 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 12/2018. Các mẫu xe bị lỗi sẽ được Nissan Việt Nam và các đại lý ủy quyền kiểm tra, khắc phục miễn phí.
 
Honda
 
Xe Honda Odyssey
 
Đầu tháng 12, Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt phương án triệu hồi hai dòng xe Honda Accord và Honda Odyssey do lỗi ở công tắc điều khiển gương. Nằm trong diện bị “gọi về xưởng” là 652 xe được sản xuất từ năm 2015-2017 và nhập khẩu từ Thái Lan.
 
Nguyên nhân được đưa ra do xử lý bề mặt tiếp điểm trong công tắc điều khiển gương chiếu hậu trên xe chưa phù hợp, dẫn đến hiện tượng oxy hóa nếu sử dụng trong thời gian dàn. Kéo theo đó, gương chiếu hậu có thể tự động gập vào khi xe đang chạy hoặc không hoạt động khi khi bật công tắc, gây mất an toàn do người lái không quan sát được giao thông phía sau.
 
Đây không phải lần đầu tiên Honda Accord bị triệu hồi trong năm nay. Tháng 8/2017, tổng cộng 319 xe Accord cũng gặp vấn đề ở cảm biến ắc-quy, nguy cơ gây cháy nổ. Các xe đều được nhập khẩu từ Thái Lan và xuất xưởng trong giai đoạn 2013-2015. Trước đó, 45 chiếc Accord cũng bị triệu hồi để khắc phục sự cố liên quan đến túi khí ghế hành khách phía trước.
 
Cùng đợt triệu hồi Accord vào tháng 2/2017, Honda Việt Nam thông báo chiến dịch triệu hồi 270 chiếc Civic 2012 và 1.020 xe CR-V 2012 với lý do tương tự.  Theo nhà sản xuất, cụm bơm túi khí có thể bị quá áp khiến túi khí hoạt động không đúng chức năng khi xảy ra va chạm. Tuy nhiên, hãng chưa nhận được báo cáo về trường hợp tai nạn nào liên quan đến lỗi kể trên.
 
Ford
 
Xe Ford Everest
 
Hồi đầu năm, cơ quan đăng kiểm Việt Nam phê duyệt quyết định triệu hồi 1.426 xe Ford Transit do lỗi liên quan đến bộ phận cao su giảm chấn của puli trục khuỷu. Bị ảnh hưởng là các xe Transit JX6582T-M3 sản xuất từ 1/8/2016 - 18/11/2016.
 
Nguyên nhân được đưa ra là chất lượng cao su giảm chấn từ nhà cung ứng nước ngoài không đủ tiêu chuẩn, tạo ra tiếng ồn khi vận hành, thậm chí làm hỏng puli trong quá trình sử dụng.
 
Sau đó, tháng 10/2017, hãng xe Mỹ tiếp tục vướng vào vụ triệu hồi 119 xe Ranger và Everest vì một nguyên nhân đã quá quen thuộc: lỗi cụm bơm túi khí ở hàng ghế trước. Đợt triệu hồi sẽ kéo dài cho tới ngày 30/9/2020 với thời gian sửa chữa từ 1-2 giờ. Mọi chi phí đều do Ford Việt Nam chịu trách nhiệm.
 
Mercedes-Benz
 
Xe Mercedes-Benz C-Class 2016
 
Bên cạnh các hãng xe phổ thông,  thương hiệu sang trọng như Mercedes-Benz cũng là một trong những cái tên được quan tâm nhiều nhất trong năm qua khi nhắc đến những đợt triệu hồi xe tại thị trường Việt.
 
Tháng 8/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra thông báo về 4 đợt triệu hồi 1.184 xe Mercedes-Benz, bao gồm các dòng xe khá phổ biến như E-Class, C-Class, GLC-Class, A-Class, GL-Class.
 
Ở 890 xe trong số đó, cầu chì bộ phận giới hạn động cơ có thể gặp hiện tượng quá dòng do khởi động nhiều lần hay khởi động kéo dài trong tình trạng bộ đề bị bó cứng vì hư hỏng từ trước. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây hiện tượng quá nhiệt, nguy cơ hỏa hoạn.
 
294 xe còn lại được triệu hồi để thay mới giắc nối điện trên hệ thống điều khiển mô-tơ trợ lực hệ thống lái. Mercedes-Benz cho biết bộ phận này có thể bị hơi ẩm hoặc nước xâm nhập, gây nhiễu loạn cho bộ điều khiển hệ thống trợ lực lái.
 
Trước đó, vào tháng 3, Mercedes-Benz Việt Nam cũng công bố triệu hồi gần 1.000 xe, bao gồm C-Class, E-Class, CLA và các mẫu SUV GLA, GLC nguy cơ cháy. Chúng nằm trong chương trình triệu hồi 1 triệu phương tiện của hãng xe Đức trên toàn thế giới liên quan đến lỗi cầu chì.
 
Trên một số mẫu xe, ở bộ giới hạn dòng điện có thể xảy ra hiện tượng quá tải do một số nguyên nhân như hệ thống khởi động bị gián đoạn hay hư hỏng từ tác nhân ngoài. Dòng điện cao thế đi qua bộ giới hạn có thể làm bộ phận này bị nóng lên. Trường hợp tài xế cố khởi động có khả năng gây ra cháy chập.