Những “đám mây đen” bao trùm ngành ôtô năm 2018

Ngành công nghiệp ôtô thế giới đi qua một năm với nhiều biến cố. Từ việc Chủ tịch Nissan bị bắt vì gian lận tài chính, Elon Musk mất chức Chủ tịch Tesla cho đến xe tự lái Uber gây tai nạn chết người hay bê bối khí thải... đều là những sự cố khiến không ít tên tuổi điêu đứng.

 
 
Chủ tịch Nissan bị bắt vì gian lận tài chính
 
Ngày 19/11, Carlos Ghosn, lãnh đạo của liên minh ôtô Nissan-Renautl-Mitsubishi, bị bắt tại Nhật Bản sau khi “lộ tẩy” hành vi không báo cáo đầy đủ thu nhập và sử dụng tài sản công ty cho lợi ích cá nhân. Truyền thông đưa tin, trong giai đoạn 2011-2015, ông Ghosn chỉ công khai mức thu nhập 5 tỷ Yên, trong khi thực tế là 10 tỷ Yên (gần 89 triệu USD).
 
Carlos Ghosn là một trong những lãnh đạo hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô - người góp phần vực dậy Nissan trên bờ vực phá sản năm 1999. Ngoài cương vị Chủ tịch Nissan, ông còn giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành Renault, Chủ tịch Mitsubishi.
 
Đầu tháng 12, các công tố viên tại Nhật Bản đã chính thức truy tố Nissan cùng cựu Chủ tịch Carlos Ghosn. Nếu bị kết tội, ông có thể đối mặt với mức án 10 năm tù giam. Vụ việc khiến mối quan hệ giữa Nissan và đối tác Renault trở nên căng thẳng. Về danh nghĩa, ông Ghosn vẫn là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Renault. Nhưng trên thực tế, hãng xe Pháp đã bổ nhiệm một người khác tạm thời thay thế.
  
Trong khi đó, Nissan cho biết sẽ xem xét nghiêm túc bản cáo trạng cũng như sẽ gửi lại báo cáo tài chính sau khi đã chỉnh sửa những thông tin liên quan đến thu nhập của ông Ghosn.
 
Elon Musk mất chức Chủ tịch Tesla vì lừa dối nhà đầu tư
 
 
Đầu tháng 10/2018, Elon Musk buộc phải thôi chức Chủ tịch Tesla, đồng thời nộp phạt số tiền 20 triệu USD sau cáo buộc lừa đảo vì tung tin gây hiểu nhầm về việc tư nhân hóa hãng xe điện. Theo thỏa thuận với Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), Elon Musk vẫn giữ chức CEO, nhưng không thể trở lại cương vị Chủ tịch công ty sản xuất xe điện trong ba năm tới.
 
Vụ việc bắt nguồn từ ngày 7/8 khi Elon Musk “khoe” trên Twitter rằng: Ông sẽ tiến hành tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, sự thật “phơi bày” khi ông bị phát hiện không đủ năng lực tài chính để thực hiện ý định trên. Việc này gây thiệt hại không nhỏ cho giới đầu tư khiến Elon Musk và Tesla gặp nhiều rắc rối, bao gồm việc SEC cáo buộc Musk có hành vi lừa đảo.
 
Không riêng Elon Musk, bản thân Tesla phải chịu khoản tiền phạt 20 triệu USD vì không có quy trình hợp lý để kiểm soát những hoạt động của Elon Musk trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, công ty cũng bổ nhiệm hai giám đốc độc lập mới vào hội đồng quản trị, thành lập ủy ban có nhiệm vụ giám sát những phát ngôn của Musk trong tương lai.
 
Trước đó, SEC đưa ra thỏa thuận “nhẹ nhàng”, bao gồm việc Elon Musk phải nộp phạt số tiền ít hơn và rời ghế Chủ tịch trong khoảng thời gian hai năm. Tuy nhiên, vị tỷ phú lại không chấp nhận phương án giải quyết ban đầu và hậu quả ai cũng thấy rõ.
 
Xe tự lái Uber gây tai nạn chết người
 
 
Giữa lúc nhiều hãng xe lớn, thậm chí các hãng công nghệ đều đã đầu tư những khoản tiền không nhỏ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ tự lái, sự cố xe tự lái của Uber gây tai nạn chết người tại Mỹ đã làm lung lay niềm tin vào công nghệ còn “non trẻ”.
 
Vụ việc xảy ra ngày 19/3 khi chiếc xe tự lái của Uber do Volvo phát triển đang chạy thử nghiệm trên con đường ở bang Arizona (Mỹ) thì đâm vào một phụ nữ dắt xe đạp qua đường khiến người này tử vong. Sau sự cố, hãng cung cấp ứng dụng đi chung xe phải ngừng toàn bộ hoạt động thử nghiệm tương tự.
 
Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên mà “nhân vật chính” là xe tự lái. Uber xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn chết người là do lỗi phần mềm. Theo Information, các cảm biến trên xe đã phát hiện ra người đi bộ. Tuy nhiên, phần mềm đóng vai trò phản ứng không kịp xử lý dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Đoạn video quay lại vụ tai nạn được cảnh sát công bố cũng cho thấy vào thời điểm xảy ra sự cố, phương tiện không hề có dấu hiệu giảm tốc độ.
 
Các hãng xe Đức vẫn chìm trong bê bối khí thải
 
 
Bùng lên cách đây ba năm, những tưởng bê bối khí thải đã tạm lắng, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
 
Tháng 9/2018, cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra với trung tâm là cáo buộc cho rằng: 5 “ông lớn” xe Đức, gồm BMW, Daimer, Volkswagen, Audi và Porsche đã tổ chức những cuộc họp bàn và hợp tác với nhau trong việc hạn chế sự phát triển cũng như ứng dụng một số hệ thống kiểm soát khí thải nhất định trên xe bán tại “lục địa già”.
 
Ông Margrethe Vestager - Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu - cho biết: Công nghệ kiểm soát khí thải có nhiệm vụ giảm bớt tác động của xe hơi lên môi trường. Nếu có kết luận vi phạm, thì điều đó đồng nghĩa với việc người dùng đã bỏ lỡ cơ hội mua những chiếc xe “sạch”.
 
Cuộc điều tra xuất hiện một năm sau khi quan chức EU tiến hành khám xét văn phòng các công ty kể trên, hai năm sau khi một nhóm nhà sản xuất xe tải, trong đó có Daimler, bị phạt số tiền kỷ lục 3,4 tỷ USD vì hành vi thao túng giá và trì hoãn áp dụng công nghệ động cơ ít ô nhiễm hơn.
 
Kể từ ngày 31/5/2018, Hamburg trở thành địa danh đầu tiên của Đức cấm xe diesel cũ lưu thông trên các tuyến đường ô nhiễm. Quy định này cũng có hiệu lực vào tháng 2/2019 tại thành phố Frankfurt, trung tâm tài chính của Đức.