Những chính sách ôtô quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2018

Nghị định 116, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về 0%, phạt người ngồi ghế sau không thắt dây an toàn hay dừng đăng kiểm xe không đạt chuẩn khí thải… đều là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Những chính sách ôtô quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2018
 
Nghị định 116 gây khó khăn cho xe nhập
 
Nghị định 116 được ban hành là một trong những chủ đề gây tranh cãi của ngành công nghiệp trong thời gian qua. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô cần phải có ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất, giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài... Ngoài ra, Nghị định cũng yêu cầu kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu thay vì theo chủng loại như trước – điều mà các doanh nghiệp cho rằng sẽ làm tăng chi phí thử nghiệm không cần thiết.
 
Chính những “vướng mắc” liên quan đến quy định mới dẫn đến việc các hãng gặp khó khăn khi nhập khẩu một số dòng xe phổ biến. Đến nay, mới có Ford Việt Nam là hãng đầu tiên được cấp giấy phép.
 
Thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN còn 0%
 
Theo Hiệp định thương mại tự do của các nước trong khu vực ASEAN, kể từ năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước nội khối về Việt Nam được áp dụng tỷ lệ 0% nếu đáp ứng điều kiện là tỷ lệ nội địa hóa của phương tiện đạt từ 40% trở lên. Lộ trình giảm thuế được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thị trường ôtô và phần lớn khách hàng đều có tâm lý chờ đợi sang năm 2018 để mua được xe mức giá thấp hơn. Ngay từ đầu năm ngoái, nhiều nhà sản xuất cũng bắt đầu dừng lắp ráp một số mẫu xe có sản lượng thấp để chuyển hướng sang “đi buôn”.
 
Mặc dù vậy, trước những rào cản từ Nghị định 116 dẫn đến hiện tượng khan hàng, “giấc mơ” của người tiêu dùng Việt về những chiếc xe giá phải chăng e khó có thể thành hiện thực ngay được.
 
 
Thuế nhập khẩu linh kiện về 0%
 
Nghị định số 125/2017 của Chính phủ cho biết linh kiện ôtô nhập khẩu cho xe con 9 chỗ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% kể từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu phải cam kết sản xuất, lắp ráp các dòng xe đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro4 trở lên và đạt đủ sản lượng theo quy định, linh kiện nhập khẩu cũng là loại trong nước chưa sản xuất được.
 
Thuế nhập khẩu xe cũ tăng gấp đôi
 
Trong khi nhiều dòng xe nội có cơ hội giảm giá do thuế nhập khẩu linh kiện về mức 0% thì giá xe nhập đã qua sử dụng có nguy cơ tăng vọt do mức thuế bị điều chỉnh tăng gấp đôi.
 
Mức thuế tuyệt đối áp dụng cho xe chở người dưới 9 chỗ (kể cả lái xe) có dung tích xy-lanh dưới 1.0L là 10.000 USD/xe thay vì 5.000 USD/xe như trước. Ôtô chở khách từ dưới 9 chỗ có dung tích xy lanh lớn hơn 1.0Lvà xe từ 10-15 chỗ áp dụng mức thuế hỗn hợp.
 
Cụ thể, ôtô có dung tích xy-lanh từ 1.5L-2.5L, thuế nhập khẩu được tính bằng giá tính thuế xe qua sử dụng nhân với 150%-200%, cộng thêm 10.000 USD/xe. Trong khi đó, xe có dung tích xy-lanh trên 2.5L, mức thuế tính như sau: Giá tính thuế xe ôtô qua sử dụng nhân thuế suất 150%-200%, cộng thêm số tiền 15.000 USD/xe.
 
Với các tính thuế mới này, giá nhiều dòng xe nhập khẩu được dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm nay, thậm chí có thể còn cao hơn các dòng xe mới cùng loại.
 
Dừng đăng kiểm xe không đạt chuẩn khí thải
 
Kể từ ngày 1/1/2018, Cục Đăng kiểm Việt Nam dừng đăng kiểm cũng như cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với các xe sử dụng động cơ diesel không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu doanh nghiệp rà soát lại các kế hoạch lắp ráp, sản xuất, nhập khẩu ôtô sử dụng động cơ diesel Euro 2, đảm bảo đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017. Sau thời điểm này nếu không hoàn thành, các hãng phải có kế hoạch tái xuất hoặc xuất khẩu. 
 
 
Phạt 200.000 đồng nếu ngồi ghế sau không thắt dây an toàn
 
Cũng từ đầu tháng 1/2018, người ngồi ghế sau xe ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị xử phạt hành chính từ 100-200.000 đồng theo Nghị định 46/2016.
 
Thực tế, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, quy định này mới áp dụng đối với người lái cũng như người ngồi ghế hành khách phía trước. Phải từ đầu năm nay, việc thắt dây an toàn cho hành khách phía sau mới trở thành yêu cầu bắt buộc.