Lái xe khi tức giận gia tăng nguy cơ gây tai nạn gấp 10 lần

Theo nghiên cứu vừa được Trường Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ) công bố, lái xe trong lúc tức giận có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn gấp 10 lần lúc bình thường.  

Lái ô tô lúc tức giận tăng nguy cơ tai nạn
 
Để tìm ra nguyên nhân dẫn đến phần lớn vụ tai nạn, nhóm nghiên cứu đã trang bị camera, microphone và cảm biến cho những chiếc xe ô tô thuộc sở hữu của 3.500 tài xế có độ tuổi từ 16 đến 98. Chúng có nhiệm vụ ghi chép lại hành động của các lái xe trong hai năm, từ đó cho phép theo dõi chính xác những gì xảy ra chỉ vài giây trước khi va chạm.
 
Kết quả: Những chiếc xe tham gia khảo sát đi được quãng đường tổng cộng hơn 56 triệu km và liên quan đến 905 vụ tai nạn nghiêm trọng khác nhau. Trong đó, trò chuyện trên điện thoại tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra sự cố. Đặc biệt, ở những tài xế “tâm trạng” như tức giận, buồn bã có nguy cơ xảy ra va chạm cao gấp 5 lần sử dụng điện thoại di động.
 
Vừa lái xe vừa nghe điện thoại
 
Hệ thống camera ẩn tiết lộ tâm trạng tác động rất lớn đến hiệu quả lái xe. Nếu cặp đôi cãi nhau vào buổi sáng, khi lái xe đi làm, họ có xu hướng phóng nhanh, đi quá sát xe trước và liên tục nháy đèn.
 
Không quá ngạc nhiên khi đồ uống có cồn cũng là một trong những nguyên nhân đáng lo ngại. Ngoài ra, kỹ năng xử lý kém như phanh gấp hay không biết nhường đường cũng làm tăng khả năng xảy ra sự cố. Ngược lại, trò chuyện với đứa trẻ lại khiến chuyến đi an toàn hơn, có thể do người lái luôn nghĩ đến hành khách nhỏ tuổi và điều chỉnh hành vi lái xe.
 
Tiến sĩ Tom Dingus từ Viện Giao thông của Đại học Bách khoa Virginia cho biết: Tất cả kết quả này đều rất quan trọng khi chúng tôi làm việc với các nhà làm luật, tổ chức giáo dục, các nhà thiết kế xe và bản thân các tài xế để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn.
 
Tiến sĩ Tom Dingus cho biết thêm: Loại bỏ hoàn toàn những tác nhân gây mất tập trung là mục tiêu không khả thi. Nhưng những biện pháp phòng tránh như tăng nhận thức người lái, các chương trình đào tạo hay những hệ thống phòng tránh va chạm được trang bị trên các phương tiện, bao gồm phanh tự động, có thể phát huy tác dụng.