“Không quản được thì cấm” Quảng Châu bắt đầu hạn chế đăng ký xe hơi
Các nhà sản xuất Ô tô và các đại lý bán xe ở Quảng Châu, Trung Quốc đang lo sốt vó với quyết định đột ngột của thành phố về việc hạn chế mua xe hơi sẽ gây thiệt hại nặng nề với họ. Đặc biệt đây cũng là thành phố thứ 4 của Trung Quốc theo nhau áp dụng chính sách này. Họ cho rằng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng nếu các đô thị lớn khác cũng quyết định hùa theo. Họ cũng than phiền rằng, chẳng đâu trên thế giới giải quyết nạn ô nhiễm và kẹt xe bằng cái cách “cực đoan” như vậy, dĩ nhiên là họ không biết rằng Việt Nam cũng đã từng học tập điều tương tự.
Chính quyền Quảng Châu mới công bố một biện pháp coi là tạm thời vào ngày 30 tháng 6 với mục tiêu nhằm “đóng băng” việc chuyển nhượng và đăng ký sở hữu đối với dòng xe sedan trong ít nhất là một năm bắt đầu từ tháng Bảy 2012.
Thành phố sẽ thực hiện một chính sách cấp hạn ngạch để hạn chế đăng ký xe mới, đóng khung ở mức 120.000 xe trong 12 tháng, trung bình chỉ cấp 10.000 biển đăng ký mới mỗi tháng. Các điều khoản chi tiết sẽ được công bố vào cuối tháng Bảy.
Các nhà quản lý ở Quảng Châu - thành phố với 16 triệu dân giải thích rằng đó là cách để hạn chế sự bùng nổ số lượng xe hơi quá nhanh. Gia tăng nghiêm trọng các mối lo ngại về tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Trước đó không lâu, 3 thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quý Dương cũng đã áp dụng chính sách “không quản được thì cấm” này.
Các Giám đốc điều hành của các hãng xe và các đại lý tại thành phố lớn nhất miền đông nam TQ cho biết; chính sách này chắc chắn sẽ mang lại một cơn suy thoái thứ hai cho thị trường xe hơi chung. Kể từ khi kết thúc chương trình ưu đãi của chính phủ đối với mua xe và hạn chế mua xe mới, được khởi xướng ở Bắc Kinh vào năm 2011.
Theo số liệu của thời báo Chứng khoán Trung Quốc: Mức tăng trưởng doanh số bán hàng hiện tại chỉ đạt có 2,45% cả nước. Và dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần hồi phục trong năm nay với doanh số bán xe mới, tăng ở mức 16% trong tháng Năm (hơn 1,6 triệu xe so với tháng cùng kỳ năm ngoái).
Các nhà phân tích trong ngành công nghiệp ô tô cho rằng “cái gậy” của Quảng Châu có thể sẽ làm tiêu tan hy vọng của ngành ô tô Trung Quốc. Biện pháp hạn chế này sẽ cắt xén thảm hại doanh số bán xe tổng thể, tăng lượng hàng tồn kho, gây áp lực lớn với các nhà sản xuất ô tô về lợi nhuận, và làm trầm trọng thêm gánh nặng tài chính cho các nhà phân phối và các đại lý.
Quảng Châu hiện nay đã có hơn 2,4 triệu xe lưu hành, trong đó có 1,7 triệu xe sedan và xe nhỏ. Số lượng xe tại đây đã gia tăng tới 19% chỉ riêng năm 2011. Con số này hiện đã lớn gấp đôi số lượng xe của thành phố từ năm năm trước cộng lại. Trong khi hạ tầng giao thông không tài nào bắt kịp!?
Theo thống kê, Quảng Châu có 331.000 xe mới được đăng ký vào năm ngoái, trong đó 242.000 xe sedan và xe hơi nhỏ. Vì thế chính sách cấp hạn ngạch sẽ cố gắng để cắt giảm số lượng xe mới xuống ít nhất 50% trong 12 tháng tới.
Tại Trung Quốc, thành phố đầu tiên nghĩ ra chính sách như vậy là Thượng Hải vào năm 1994. Với lo ngại bùng nổ về giao thông và ô nhiễm mất kiểm soát, TP đưa chính sách cấp hạn ngạch và đấu giá công khai để hạn chế số lượng xe mới xuống ít hơn 10.000 xe mỗi tháng. Với quy mô của một thành phố khổng lồ như Thượng Hải, càng ngày sự hạn chế cấp đăng ký xe này càng khiến giá tiền làm biển tăng chóng mặt. Trong 7 tháng qua, giá để làm được một tấm biển xe đã tăng từ 45.700 Tệ (7.200 USD) lên 64.000 Tệ (10.100 USD) tại đây.
Thành phố Bắc Kinh cũng bắt đầu áp dụng chính sách này vào tháng 1 năm ngoái, nhưng họ thực hiện thông qua một kiểu bốc thăm xổ số. Nhằm cố định số lượng xe chỉ là 174.000 xe/năm, giảm mạnh từ 810.000 xe/năm trong năm 2010. Được coi là một biện pháp để giảm bớt nạn tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng gây ra bởi hơn 4 triệu xe hơi tại thủ đô.
Còn tiếp theo đến tháng 7 năm 2011, Quý Dương - thủ phủ của tỉnh Quý Châu, tỉnh tương đối nghèo và kém phát triển ở Trung Quốc. Cũng bắt chước chính sách hạn chế này, nhưng mấy “anh” Quý Châu lại sáng tạo theo cách cấp 2 loại biển. Theo kiểu cấm đi một số tuyến đường để giảm tải tắc, hoặc chỉ được đi ở trong phố cổ hoặc chỉ đi đường bên ngoài quận, thị… Cái kiểu hạn chế giao thông ở Quý Châu, nghe cứ thấy quen quen!!
Quảng Châu, vốn là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Đông, cũng do ảnh hưởng từ thị trường Hồng Kông, được xem như là nắm vai trò chi phối mạnh tới chính sách của các tỉnh khác ở Trung Quốc. Vì vậy các nhà phân tích cho rằng chính sách này sẽ dự báo trước cho sự tăng trưởng tổng doanh số bán xe tại Trung Quốc sẽ giảm xuống ngay sau khi Quảng Châu gia nhập vào danh sách các thành phố bị hạn chế đăng ký xe mới.
Còn nếu bàn về câu chuyện chính sách và bài toán quản lý thì “Hóa ra là ko phải... chỉ ở nước mình tự dưng lại cũng có những chuyện vô lý như thế!”