Hỗ trợ người mua xe để cứu ngành ô tô Việt

Nhằm phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước, Bộ Công thương vừa gửi dự thảo quyết định Thủ tướng về cơ chế ưu đãi nhằm thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

kích cầu thị trường ô tô
Bộ Công thương đề xuất hỗ trợ cả người mua ô tô để kích cầu
 
Với doanh nghiệp, Bộ Công thương kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án có quy mô lớn (50.000 xe/năm) sản xuất các dòng xe nằm trong diện ưu tiên phát triển. Những dòng xe ưu tiên Việt Nam muốn phát triển gồm: xe tải nhỏ đa dụng phục vụ nông nghiệp; xe khách tầm trung và tầm ngắn; xe ô tô con kích thước nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu; các loại xe chuyên dùng như xe bê tông, xe cứu hỏa; xe nông dụng đa chức năng…Ngoài ra, các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai theo pháp luật về công nghiệp hỗ trợ.
 
Nhằm mục tiêu kích cầu, phát triển thị trường, Bộ Công thương đề xuất trong dự thảo: đối với những người tiêu dùng, tổ chức cá nhân, mua xe tải nhẹ đến 3 tấn, xe nông dụng nhỏ đa chức năng sẽ được hỗ trợ theo chính sách hiện hành về giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhóm đối tượng này sẽ được vay tới 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3. Đồng thời, nhà nước sẽ hỗ trợ chênh lệch lãi suất trong một số trường hợp…
 
Trước đó, trong động thái thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước, Bộ Tài chính cũng công bố Dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế. Trong đó, nhóm ô tô dưới 9 chỗ ngồi được điều chỉnh mạnh nhất về thuế tiêu thụ đặc biệt xuống còn 20%.
 
Như vậy, liên tiếp trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi ngành phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa, đặc biệt là trước áp lực mức thuế cho dòng xe nhập khẩu sẽ về 0% trong năm 2018 theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN khiến nhiều doanh nghiệp ô tô đứng ngồi không yên, tuyên bố muốn chuyển hướng “đi buôn”.
 
Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu tổng quát là xây dựng ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
 
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có thể dùng 2 từ “thất bại” cho ngành công nghiệp ô tô non nớt của Việt Nam. Theo đánh giá của Thủ tướng, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn chủ yếu “dừng chân” ở mức hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động. Trong khi đó, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành.