Hà Nội quyết xử phạt chủ xe máy trốn “thuế đường”

UBND TP.Hà Nội đề nghị chính phủ ban hành mẫu tem dán vào xe máy đã nộp “thuế đường”, đồng thời bổ sung chế tài xử phạt các trường hợp không đóng phí.

thu phí xe máy
Ảnh minh họa: Zing
 
Hà Nội bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2013, với mức thu với mô tô, xe máy dưới 100cm3 là 50.000 đồng và trên 100cm3 là 100.000 đồng. Tuy nhiên, con số thu được qua các năm không những không tăng mà còn có dấu hiệu giảm. Năm 2013 toàn thành phố chỉ đạt 14% so với dự kiến (55 tỷ/378 tỷ đồng). Trong khi đó, năm 2014 cũng thu được 36 tỷ đồng, đạt 13,28% kế hoạch đề ra mặc dù UBND TP đã đã giao chỉ tiêu cho từng quận, huyện, thị xã…
 
Đầu năm nay, thông tư của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tháng 12/2014 quy định các xã, thị trấn được để lại toàn bộ số tiền thu được sau khi hoàn thành tỷ lệ nộp ngân sách để đầu tư cho giao thông, nhưng mức thu cũng mới đạt gần 3 tỷ đồng.
 
Thành phố Hà Nội cho biết hành vi “trốn phí’ sẽ bị xử phạt hành chính theo thông tư của Bộ Tài chính từ 1 đến 3 lần số phí phải nộp. Tuy nhiên, cũng chưa có quy định cụ thể về lực lượng kiểm tra, xử phạt cùng các vấn đề liên quan khác.
 
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hà Nội sáng 6/7, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng có rất nhiều bất cập trong thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Hiện nay, các tổ dân phố được giao thu phí nên công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, người nộp người không. Bên cạnh đó, quy định xử phạt cũng chưa rõ ràng.
 
Trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã lên tiếng đồng tình với việc bỏ thu phí xe máy. Các tỉnh thành như Đà Nẵng, Khánh Hòa lần lượt cho tạm dừng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Trong khi đó, thường trực HĐND TP.HCM cũng có văn bản đề nghị UBND TP chưa triển khai việc tổ chức thu phí xe máy ở TP cho đến khi HĐND TP nhận được báo cáo về toàn bộ vấn đề có liên quan đến việc tổ chức thu phí.
 
PGS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng bộ môn quản trị kinh doanh khoa vận tải kinh tế, ĐH GTVT Hà Nội cho rằng người dân vẫn chưa nhận thấy rõ lợi ích thực tế mà loại phí này đem lại. Hiện nay có nhiều loại phí đang được tiến hành thu tại cùng một thời điểm khiến người dân cảm thấy bị “quá tải”.
 
Thậm chí, theo Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Hà Nội đã triển khai thu phí bảo trì đường bộ rất nghiêm túc nhưng nếu Chính phủ bỏ thu phí này thì HĐND TP và  cử tri thành phố sẽ rất ủng hộ.