Grab muốn dùng trực thăng trị tắc đường

Startup chia sẻ xe Đông Nam Á Grab muốn đưa một phần giao thông lên bầu trời để tăng cường khả năng di chuyển trong đô thị tại một trong những thành phố ùn tắc nhất khu vực.

Grab muốn dùng trực thăng trị tắc đường
Trước mắt thì dịch vụ này vẫn dành cho thú vui nhiều hơn, nhưng CEO của Grab không loại trừ khả năng dịch vụ sẽ phát triển thành phương tiện đi làm hàng ngày của giói nhiều tiền. Ảnh: Facebook/Grab Indonesia
 
Công ty đang trong quá trình thử nghiệm dịch vụ trực thăng ở Indonesia,  CEO/đồng sáng lập Anthony Tan cho hay.
 
Dịch vụ GrabHeli sử dụng trực thăng để giải quyết vấn nạn tắc đường ở thủ đô Jakarta, được tung ra hồi tháng 6 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm của công ty. “Có nhiều nơi giao thông trở thành vấn đề với tất cả mọi người. Ngay cả chính phủ cũng phàn nàn về việc thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì nó”, Tan nói.
Một trong các quốc gia như vậy là Indonesia, thị trường lớn nhất của Grab xét theo lượng người dùng.
Jakarta, thủ đô của Indonesia, nổi tiếng với nạn tắc nghẽn giao thông. Mỗi năm, thành phố này thiệt hại 65 nghìn tỷ rupiah (4,87 tỷ USD) vì tắc nghẽn. TomTom Traffic Index tính toán cho thấy: Người lao động ở Jakarta trung bình mất thêm 48 phút mỗi ngày để đi làm.
 
Trong khi GrabBike nhằm giải quyết vấn đề giao thông bằng cách cho phép người dùng chia sẻ với nhau các phương tiện vận chuyển hàng ngày như xe máy, ôtô, thì dịch vụ trực thăng nhắm đến người dùng đang tìm kiếm trải nghiệm cao cấp.
 
Có những người không muốn nhảy lên một chiếc xe máy, ngay cả khi nó miễn phí, Tan cho hay. Nhưng họ sẵn sàng trả một khoản tiền cho một thứ bay trên bầu trời. Họ cũng muốn đi từ mái nhà này sang mái nhà khác.
 
Grab không phải công ty duy nhất muốn chuyển bớt một phần lưu lượng giao thông lên không. Uber đã thử nghiệm dịch vụ trực thăng UberCopter và UberChopper ở một vài thành phố như Cannes, Sao Paulo và New Delhi.
 
Khi được hỏi liệu có thể mở rộng GrabHeli ra áp dụng cho các đối tượng sẵn sàng vung tay để bay đi làm hàng ngày hay không, Tan cho biết còn tùy thuộc vào quy định hàng không và nhu cầu người dùng Grab. “Nếu quy định thông thoáng và phân khúc người thu nhập cao sẵn sàng trả thì tại sao không?”