Grab có thể bị phạt 10% doanh thu sau thương vụ mua lại Uber

Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) ra quyết định điều tra chính thức thương vụ sáp nhập Grab-Uber. Nếu bị kết luận sai phạm, Grab có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu năm 2017.

Ảnh: VnEconomy
 
Thời hạn điều tra là 180 ngày kể từ ngày có quyết định. Nếu cần thiết có thể gia hạn nhưng không quá 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
 
Sau khi có kết quả, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ gửi hồ sơ lên Hội đồng cạnh tranh để có biện pháp xử lý theo quy định.
 
Ngày 16/5 vừa qua, cơ quan chức năng công bố kết quả cuộc điều tra sơ bộ liên quan đến việc Grab mua lại Uber tại thị trường Việt và cho rằng thị phần kết hợp của hai bên vượt quá 50%. Như vậy, thương vụ có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế tại Mục 3, Chương II, Luật Cạnh tranh 2004.
 
Quy định nêu rõ khi thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% mà không thông báo cho Cục Cạnh tranh trước khi hoàn tất giao dịch, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 10% doanh thu năm tài chính trước năm thực hiện sáp nhập. Thậm chí, nếu thị phần kết hợp trên 50%, giao dịch có thể bị cấm thực hiện.
 
Đối với một số trường hợp, bên cạnh hình thức phạt tiền, cơ quan quản lý còn áp dụng những hình phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh hay yêu cầu chia tách doanh nghiệp sáp nhập, bán lại phần doanh nghiệp đã mua...
 
VneEconomy dẫn lời luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật Basico - cho biết: Theo luật cạnh tranh thì Grab không được phép mua lại Uber tại Việt Nam. Bởi vậy, ngay cả khi đã hoàn tất giao dịch, Grab vẫn phải huỷ hợp đồng. Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận trên thế giới, việc các doanh nghiệp phải chia tách sau khi sáp nhập không hiếm nhưng ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên rất khó áp dụng.
 
Về phía Grab, hãng cung cấp ứng dụng gọi xe luôn chọn cách giữ im lặng trước những thông tin về thương vụ thu mua Uber tại Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng.