Giải pháp độc cho ngành ôtô Việt

Để giải cứu cho ngành ôtô Việt, Bộ Công thương đã đưa ra 3 “sáng kiến”, trong đó có giải pháp không đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ôtô. 

Giải pháp độc cho ngành ôtô Việt
 
Bộ Công Thương mới đây đã báo cáo Tổ công tác về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô. Bên cạnh việc nêu ra thực trạng của ngành công nghiệp đặc thù này, Bộ đánh giá thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng. Dự tính đến năm 2020 sức tiêu thụ và khả năng sản xuất của ngành ôtô trong nước sẽ vượt qua cả Philippines, nơi có ngành sản xuất ôtô lớn thứ 4 trong ASEAN. Tuy nhiên, để đạt được mức đó thì Việt Nam cũng cần có những cải thiện về cơ chế, do đó, Bộ đưa ra những đề xuất “mới” nhằm thúc đẩy phát triển ôtô Việt Nam.
 
Cũng như nhiều lần bàn thảo trước đây, Bộ Công thương cho rằng để có một thị trường tiêu thụ quy mô, đủ hấp dẫn để người dân sử dụng xe sản xuất trong nước thì cần có một sự phát triển  lành mạnh và minh bạch. Và để đạt được mục đích ấy thì cần có những biện pháp chống gian lận thương mại cũng như hàng rào kỹ thuật. Song để có đạt được một “thị trường minh bạch” thì e sẽ còn khá lâu, bởi gần hai chục năm qua, Việt Nam vẫn loay hoay với các biện pháp kiềm chế, siết chặt mà vẫn chưa tìm được một lối đi.
 
Nhưng có lẽ gây sốc hơn cả chính là đề xuất  hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước. Trong đó có biện pháp không đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ôtô. Đây là một mức ưu đãi chưa từng có dù suốt 20 năm qua, các doanh nghiệp ôtô “nội” vẫn nhận được sự bảo hộ lớn, đến nỗi mà các doanh nghiệp mãi vẫn không thể thoát được vòng tay ôm ấp để cho ra đời được 1 chiếc ôtô Việt Nam đúng nghĩa. Các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đạt ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Tỷ lệ nội địa hóa quá thấp so với mức kỳ vọng, trong khi đó, giá thành xe xuất ra thị trường lại quá cao dù chất lượng chẳng bằng xe nhập từ nước khác. Và cũng chính Bộ công thương cách đây vài ngày đã phải thừa nhận sự thất bại của chiến lược phát triển ngành ôtô trong nước.
 
Chưa hết, Bộ Công thương còn đề nghị thu hút đầu tư các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các Tập đoàn lớn, và những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản ứng trái chiều bởi thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ lớn, không có sự cạnh tranh bình đẳng, chính sách thì phập phù, và quan trợng hơn là ngành phụ trợ vẫn còn quá yếu. Việt Nam sẽ chẳng đủ sức hấpd ẫn để mời gọi nhà đầu tư, so với các “hàng xóm” đang có rất nhiều triển vọng ở bên.
 
Những sáng kiến này có lẽ là một phần trong những nỗ lực của Bộ Công thương để thực hiện cam kết kiên trì mục tiêu phát triển ngành và đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trong giai đoạn 2020-2021 mà chính Bộ đã đặt ra.