Doanh nghiệp nhập ôtô lại đồng thanh “kêu cứu” vì thuế

Chỉ trong vòng 6 tháng đã có tới 2 lần điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Sự thay đổi chóng mặt này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Việt Nam lại một lần nữa đồng thanh gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng và các bộ ngành liên quan.

Xe nhập khẩu sắp tăng thuế
 
Trước thời điểm điều chỉnh tăng thuế TTĐB kỷ lục cho các dòng xe sử dụng động cơ dung tích lớn đang cận kề, đại diện 10 thương hiệu ô tô nhập khẩu chính hãng lớn tại Việt Nam bao gồm Audi, BMW, Bentley, Jaguar, Rolls-Royce, Renault, Maserati... đã ký chung văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng việc áp dụng Luật thuế TTĐB mới từ ngày 1/7/2016 sẽ gặp vấn đề bởi phương thức tính thuế mới theo dự luật chưa rõ ràng. Cụ thể, rất khó để xác định được căn cứ tính thuế mới do sự thay đổi khung tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân. Bên cạnh đó, việc xác định “cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại” (nhà bán sỉ / nhà phân phối) chưa cụ thể do mối quan hệ trong “cơ sở có mối quan hệ liên kết” chưa được định nghĩa trong bất cứ văn bản Luật nào trên thực tế.
 
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô còn nêu ra những khó khăn về việc ứng dụng Luật thuế mới khi hiệu lực thực thi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa. Nguyên nhân được các nhà nhập khẩu đưa ra là việc kinh doanh ô tô mới nhập khẩu chính hãng được căn cứ trên 6 tháng thời gian chờ tính từ lúc bắt đầu đặt hàng sản xuất đến khi giao xe cho khách hàng Việt Nam. Do đó, trong thời gian này, các hãng không thể báo giá chính xác bằng Việt Nam đồng cho những đơn đặt mua xe ô tô giao sau ngày 1/7/2016. Điều này đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp này và làm sụt giảm nguồn thu Ngân sách nhà nước.
 
Trước những khó khăn trên, các nhà nhập khẩu ô tô kiến nghị tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế TTĐB mới và duy trì phương thức tính thuế hiện tại theo quy định của điều luật thuế sửa đổi, bổ sung đã được áp dụng từ ngày 1/1/2016 cho đến khi xác định được căn cứ tính thuế rõ ràng, xác định rõ nghĩa cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại và có định nghĩa cụ thể về “cơ sở có mối quan hệ liên kết”.
 
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đồng thanh kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành liên quan vì các chính sách thuế. Mới đây nhất, hồi tháng 11/201, 8 nhà nhập khẩu ô tô cũng gửi kiến nghị đến các bộ luật về Luật thuế TTĐB mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Với cách tính thuế mới đã khiến giá nhiều loại xe ước tính tăng thêm từ 15-30%. Hậu quả là lượng xe tiêu thụ của ô tô nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm giảm mạnh tới 36% xuống còn khoảng 13.000 xe.
 
Có lẽ các doanh nghiệp nhập ô tô cũng không còn quá xa lạ với tình trạng chính sách thay đổi “chóng mặt” tại Việt Nam. Thay vì ngồi yên chờ đợi sự giải cứu của các nhà chính sách, những đơn vị nhập khẩu nên chủ động tự cứu mình bằng những giải pháp hữu hiệu hơn. Đơn cử như những “ông lớn” xe nhập khẩu Đức như Audi, BMW và Mercedes đang lên kế hoạch “đua nhau” tổ chức những triển lãm xe riêng trước thời điểm tăng thuế để kích cầu.