Chưa thể phạt xe máy ra đường không đóng phí GTĐB

Nghị định 71 quy định phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng với người đi máy không nộp phí GTĐB. Có thể hiểu là từ 1/1/2013, chủ xe máy không đóng phí này sẽ bị phạt nặng? Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Pháp chế của cả bộ CA và bộ GTVT đều thừa nhận “đây là vấn đề khó, còn bỏ ngỏ”. Trong khi đó, mức phạt cao gấp 10 lần khoản phí GTĐB cần nộp cũng là điều bất hợp lý.

Theo Thông tư 197/2012, mức thu phí GTĐB với xe máy dung tích dưới 100cm3 từ 50 – 100 nghìn đồng/năm; xe máy trên 100cm3 từ 100 – 150 nghìn đồng/năm; chủ phương tiện nộp phí này tại UBND phường/xã/thị trấn nơi cư trú. Đối với ôtô mức phí là 130 nghìn đến 1,04 triệu/tháng, nộp khi đi đăng kiểm định kỳ.
 
Trong khi đó, mức phạt tiền đối với người đi ôtô không nộp phí GTĐB là từ 6 – 10 triệu đồng, với xe máy là 800.000 - 1.000.000 đồng
Chưa th pht xe máy không mua phí GTĐB
 
Cụ thể, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế bộ CA, nói với báo SGTT rằng nội dung này còn phải chờ hướng dẫn vì hiện bộ CA đang bàn về Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 71. Ông Quân nói thêm: “Chưa có hướng dẫn nộp phí thì làm sao mà phạt được”.
 
Thực tế cho thấy, Thông tư hướng dẫn thu phí của bộ Tài chính đã chỉ ra là chủ xe máy sẽ được UBND phường/xã/thị trấn nơi cư trú cấp chứng nhận khi đóng phí. Nhưng theo Luật GTĐB, giấy chứng nhận này không có trong các loại giấy tờ mà người điều khiển giao thông buộc phải mang theo để xuất trình khi CSGT kiểm tra. Với tình huống này, ông Trần Thế Quân thừa nhận đúng là Luật GTĐB chỉ quy định mang 4 loại giấy, trong đó không cần giấy chứng nhận thu phí GTĐB. Do đó, các ngành sẽ bàn lại với nhau xem nên thế nào vì nó tác động rất nhiều người nên phải lấy ý kiến theo quy trình.
 
Bà Trịnh Minh Hiền, vụ trưởng vụ Pháp chế – bộ GTVT cũng chia sẻ với SGTT rằng phí GTĐB áp dụng với ôtô thì dễ vì có đăng kiểm, nhưng với xe máy thì khó hơn. Bà Hiền thừa nhận quy định thu phí GTĐB với xe máy là khó khả thi vì không có chế tài phạt ràng buộc.
 
Mc pht li không np phí GTĐB bt hp lý và thiếu tính kh thi
 
Như vậy, Nghị định 71 đang tiếp tục gây ra các xung đột pháp lý và giải pháp xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTĐB. Ngoài rất nhiều phản hồi tiêu cực trước đó về quy định phạt nặng nếu không chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe, nghị định này lại thể hiện sự bất cập khi ấn định mức phạt lên tới cả triệu đồng với xe máy và chục triệu với ôtô, trong khi mức phí cần nộp chỉ tương ứng 10% chế tài.
 
Xét trên thu nhập trung bình của người Việt và mức lương tối thiểu hiện nay, chế tài phạt theo Nghị định 71 bất hợp lý, thiếu tính nhân bản và khiên cưỡng, khó thực hiện. Suy theo lô-gic, các chế tài phạt quá cao so với lỗi vi phạm Luật GTĐB cũng có thể ví với án phạt tử hình cho tội móc túi. Trong tiền lệ pháp lý thế giới, việc định ra các chế tài quá nặng nề trong các điều luật thường gặp những phản hồi hết sức bất lợi. Ví dụ, khung phạt tử hình đã được xoá bỏ ở rất nhiều quốc gia phát triển, vì nó làm cho loại tội phạm trong khung hình này rơi vào đường cùng và chúng trở nên hung hãn hơn rất nhiều. Ngay ở nước ta hiện nay, các mức phạt nằm ngoài khả năng chấp hành đã khiến nhiều đối tượng thể hiện sự quẫn bách qua hiện tượng trốn chạy, chống lại CSGT và người thi hành công vụ, đây là tình trạng đáng báo động.
 
Nghị định 71 còn đặt ra những vấn đề khác về phân cấp chức năng của các nhân viên chấp pháp khi áp dụng chế tài, vì những mức phạt mới tăng lên, xét theo Luật Xử lý Vi phạm Hành chính, hầu hết đều vượt thẩm quyền xử phạt của chiến sỹ CSGT hoặc các thanh tra viên. Khi các mức phạt cao vượt khung quy định cho các nhân viên chấp pháp thi hành trực tiếp, họ sẽ phải chuyển vụ việc lên cấp cao hơn giải quyết và sẽ gây ra vô số phiền phức cho công dân, gây ùn đọng vụ việc cho các cấp quản lý. Mặt khác, khi các điều khoản về thu nộp và xử phạt với phí GTĐB chưa được thiết kế chặt chẽ và minh bạch, chắc chắn tình trạng tham nhũng và lợi dụng khi thực hiện quy định này sẽ tăng cao trong đội ngũ chấp pháp.
 
Trong thời gian tới, dù mới được ban hành, nhiều khả năng Nghị định 71 sẽ lại phải được điều chỉnh, sửa đổi bằng một nghị định khác nữa. Đa số dân lành sẽ chẳng thể biết đường nào mà lần trong cái mê cung Luật, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị... rối bời hiện nay.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn