Bê bối gian lận ở giải thưởng ôtô lớn nhất nước Đức

Ngày 20/1, ADAC, Hiệp hội người dùng xe hơi của Đức, là hội chơi xe lớn nhất châu Âu, lên tiếng thừa nhận đã thay đổi kết quả bình chọn hằng năm. Cùng lúc đó, hãng Volkswagen tuyên bố muốn trả lại giải thưởng mới nhận.

Giám đốc truyền thông của ADAC là Michael Ramstetter đã từ chức trong sự nhục nhã sau khi ngậm ngùi thừa nhận đã thao túng kết quả giải thưởng “Yellow Angel” cho chiếc xe được ưa chuộng nhất nước Đức – VW Golf, vừa được trao tuần trước. Giám đốc điều hành ADAC là Karl Obermair cho rằng hành động của Ramstetter là “sai lầm không thể tha thứ”.
 
ADAC (Allgemeiner Deutscher Automobil-Club) là Hiệp hội người dùng xe hơi Đức, có riêng một tạp chí uy tín mang tên Motorwelt, hay Thế giới ôtô, với 18 triệu độc giả, mà Ramstetter cũng là một biên tập viên chính. Theo ADAC, ông này thổi phồng kết quả bình chọn khi cho biết có tới 34.299 tài xế bầu Golf là xe đáng tin cậy nhất tại Đức, trong khi thực tế chỉ có 3.409 phiếu. Tuy nhiên, ADAC cũng cho rằng thứ tự xếp hạng không thay đổi mà chỉ có tổng số phiếu bầu.
 
Mặc dù vậy, điều đó không thể xoa dịu làn sóng tức giận ở Đức trước tình trạng gian lận xảy ra ở một trong những tổ chức được đánh giá là có uy tín nhất tại Đức, bên cạnh Bundesbank và cơ quan giám sát tiêu dùng Stiftung Warentest.
 
Sự chỉ trích gay gắt nhất đến từ Ferdinand Dudenhoeffer, một chuyên gia xe hơi tại trường đại học Duisburg-Essen. Ông cho rằng các báo cáo và những bản xếp hạng mà ADAC đưa ra cần phải được xem xét lại: “Số liệu thống kê về các sự cố liên quan đến xe hơi và các báo cáo an toàn  cần phải được kiểm tra lại. Nếu đã có sự dối trá ở giải thưởng Yellow Angel thì tất cả các lĩnh vực khác cũng không được loại trừ”.
 
Daimler, nhà sản xuất những chiếc xe sang trọng Mercedes-Benz, yêu cầu ADAC nhanh chóng làm rõ vấn đề: “Chúng tôi hy vọng ADAC sẽ điều tra kỹ lưỡng vấn đề này và sau đó thông báo trước công chúng”.
 
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Ford tại Đức, cũng cho rằng: “Đây là một giải thưởng có uy tín. Mọi người cần đảm bảo rằng việc tìm kiếm người chiến thắng được thực hiện đáng tin cậy và công khai”.
 
Helmut Becker – một nhà kinh tế học người Munich làm việc cho BMW, cho rằng bê bối ADAC có thể sẽ gây ra một chấn động lớn hơn. “Chúng ta cần có một cái nhìn thận trọng hơn ở tất cả những giải thưởng trong lĩnh vực xe hơi”, Becker nói. “Tôi e rằng các bài thử nghiệm xe cũng đã bị thao túng”.
 
Franz-Rudolf Esch,  một giáo sư về quản lý thương hiệu và tiếp thị ôtô tại European Business School, cho biết: “Nói chung, các giải thưởng rất quan trọng. Chúng có tác động lớn đến các nhà sản xuất với thương hiệu chưa đủ mạnh. Khách hàng cũng sẽ cảm thấy rằng mình đang làm đúng khi mua một chiếc xe được giải”.
 
ADAC là một tổ chức có tầm ảnh hưởng ở Đức với khẩu hiệu “Free travel for free citizens” (tạm dịch: “Công dân tự do có quyền đi lại tự do”). Khẩu hiệu được đưa ra như một lời kêu gọi phản đối đưa ra giới hạn tốc độ trên đường cao tốc. ADAC cũng là câu lạc bộ xe hơi tiếng tăm nhất châu Âu với hơn 18 triệu thành viên, có nhiệm vụ chính là trợ giúp, thực hiện những bài kiểm tra an toàn và nhiều dịch vụ khác cho các xe tại Đức.
 
Vụ việc của ADAC gợi nhớ lại một bê bối về thử nghiệm xe tại Đức vào năm 1997 khi một tạp chí motor Thụy Điển phát hiện chiếc A-Class của Mercedes có xu hướng bị lật khi trải qua bài kiểm tra tránh đột ngột (evasive maneuver test) nhưng các tạp chí Đức lại không phát hiện ra lỗi. Ban đầu, hãng xe Đức từ chối bình luận nhưng sau đó đã ra thông báo thu hồi chiếc xe để trang bị thêm những tính năng an toàn.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn