Xe Trung Quốc đang biến mất khỏi thị trường Việt Nam

Thị trường ôtô trong nước đang khởi sắc trở lại nhưng lượng tiêu thụ của các mẫu xe Trung Quốc, từ Lifan 520 đến BYD F0 ngày càng kém cỏi và có thể sớm biến mất trên thị trường.

Hiện nay, số thương hiệu xe ôtô Trung Quốc loại dưới 9 chỗ chở người bán tại Việt Nam không hề ít. Theo con đường lắp ráp và phân phối chính thức có tới cả chục loại. Chery và Lifan được lắp ở nhà máy Tổng công ty ôtô Hòa Bình (VMC), Haifei tại nhà máy của Vinaxuki, BYD và Haima và Geely được phân phối trực tiếp cũng vài năm và mới nhất là MG, một thương hiệu vốn có xuất phát từ nước Anh. Tuy nhiên, hầu hết các xe này đều có lượng tiêu thụ ngày càng đi xuống và thậm chí chuẩn bị biến mất khỏi thị trường.
 
Xe Trung Quốc lắp ráp sắp tuyệt chủng
 
Từ đầu năm đến nay không bán được chiếc xe nào, đó là tình cảnh của Lifan 520, theo báo cáo của VAMA. Lifan 520 được lắp ráp tại nhà máy của VMC từ năm 2007 và phân phối độc quyền thông qua công ty Cổ phần ôtô Bảo Toàn với kỳ vọng bán được 2.000 xe/năm, giá bán trên dưới 300 triệu đồng vào thời điểm đó.
 
Lifan 520 của Công ty Bảo Toàn.
 
Mẫu xe nhỏ Chery QQ suốt 7 tháng qua chỉ bán được… đúng 1 chiếc, dù giá chỉ khoảng 210 triệu đồng, bằng nửa các xe cùng hạng như GM Spark hay Kia Morning. QQ được VMC giới thiệu tháng 4/2009 với nhiều kỳ vọng vì đây là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc hạng nhỏ của Trung Quốc nhiều năm. Tuy nhiên, chiếc xe mang kiểu dáng sao chép của mẫu Matiz (tiền thân của GM Spark) này cũng chuẩn bị phải được khai tử. So sánh trong cùng thời điểm các tháng đầu năm, GM Việt Nam đã bán tới 860 xe Spark các loại.
 
Chery QQ giá rẻ như bèo cũng không ai mua.
 
Khá khẩm hơn người anh em QQ, chiếc Chery Riich M1 bán được 8 chiếc/7 tháng. Riich M1 trang bị cao cấp hơn QQ, dung tích máy lớn hơn và giá bán cũng cao hơn, nhưng vẫn được coi là rẻ với giá tầm 290 triệu đồng/xe. Tuy vậy, tâm lý e dè xe Trung Quốc có lẽ là trở ngại lớn nhất mà chiếc xe này gặp phải, mặc dù thị trường xe Việt Nam đang dần hồi phục.
 
Một thành viên trong VAMA là Mekong Auto cũng chẳng có niềm vui lớn như các “đồng nghiệp”. So với 7 tháng cùng kỳ năm ngoái, Mekong có lượng xe bán ra giảm tới 17%. Hai mẫu xe du lịch mà Công ty này phát triển từ năm 2004 là PMC Premio (giá từ 316 triệu đến 418 triệu đồng) và PMC Pronto (7 chỗ, giá 457 triệu đồng) từ đầu năm bán vỏn vẹn dưới 100 xe. Công nghệ cũ, ít thay đổi về thiết kế là nhiều lý do khiến 2 mẫu xe này ít được dân thành thị quan tâm. PMC trước đây vốn là hãng xe duy nhất của Triều Tiên, sau vì kinh doanh ế ấm nên đã được hãng xe Trung Quốc là Thượng Hải Auto mua lại.
 
Hafei HFJ 7110 của Vinaxuki
 
Vinaxuki cũng đóng góp vào bức tranh ế ẩm của xe Trung Quốc với mẫu xe hạng nhỏ Hafei HFJ 7110, từ đầu năm đến nay, số xe bán được là con số 0. Đồng thời, Vinaxuki tiếp tục đón nhận tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa với con số tăng trưởng âm 62% so với với 7 tháng đầu năm ngoái.
 
Xe Trung Quốc nhập khẩu “ngủ đông”
 
So với các xe lắp ráp kể trên, tình hình không sáng sủa hơn là bao đối với xe được nhập khẩu nguyên chiếc. Đi đầu trong việc phân phối xe “tàu” là công ty FAuto với mẫu F0 và G3. Tuy nhiên, hiện tại không còn thấy công ty này có hoạt động nào trên thị trường.
 
Xe Haima 7 cạnh tranh với các xe SUV nổi tiếng như Honda CR-V.
 
Một trong những công ty kinh doanh xe nhập khẩu rất phát đạt trước đây là Kylin từ cuối năm 2011 tuyên bố phân phối xe Haima, được quảng bá là của một hãng liên doanh với Mazda ở Trung Quốc. Với giá bán chỉ rẻ bằng nửa xe cùng hạng của Nhật hay Hàn Quốc (chẳng hạn Haima 7 giá dưới 500 triệu, so với giá trên dưới 1 tỷ đồng của Honda CR-V), nhưng lượng khách hàng quan tâm cũng không nhiều. Kylin cũng đã phải thu hẹp quy mô kinh doanh đáng kể trong vòng 2 năm qua, đặc biệt từ sau Thông tư 20 buộc xe nhập khẩu phải được bán bởi nhà phân phối chính thức.
 
Kylin cũng không thành công với thương hiệu Geely, dù đây được coi là một trong những hãng xe nội địa lớn nhất của Trung Quốc.
 
Thương hiệu MG nguồn gốc Anh Quốc mới vào Việt Nam trong năm nay, thuộc sở hữu của Công ty ôtô Trung Quốc
 
Tháng 6 vừa qua, công ty VinaMG đã công bố sẽ phân phối cùng lúc 6 mẫu xe MG ở đủ các phân khúc. MG vốn là hãng xe có nguồn gốc từ Anh, nhưng đã bị phá sản và được bán sang tay Tập đoàn ôtô Thượng Hải (SAIC). Dù vậy, ngay chính tại Trung Quốc, MG vẫn là cái tên ít người biết đến.
 
Cho đến nay, chưa mẫu xe Trung Quốc nào thành công tại Việt Nam. Nguyên nhân một phần do tâm lý coi thường hàng “tàu” của người tiêu dùng, nhưng chủ yếu là bởi chất lượng của các mẫu xe trên đều rất kém. Tại Trung Quốc, người dân cũng thích chọn xe của các hãng nổi tiếng trên thế giới hơn và khiến chính phủ nước này đang tìm đủ mọi cách để hạn chế sự phát triển của những tập đoàn ôtô toàn cầu. Chính vì vậy, khi không tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam bằng việc lựa chọn sản phẩm tồi, các công ty lắp ráp cũng như phân phối nguyên chiếc xe Trung Quốc phải nhận thất bại là chuyện dễ hiểu.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn