VAMA: Đề xuất phí của Bộ Giao thông làm thị trường ôtô lâm nguy

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) trong cuộc họp ngày 17/5 cho biết các đề xuất về thuế và phí mới đây, đặc biệt các đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, đã khiến thị trường ôtô lâm vào tình trạng báo động.

Chiều 17/5, Ban lãnh đạo VAMA đã tổ chức buổi gặp mặt với báo chí để trao đổi về tình hình bán hàng đầu năm 2012. Đây là cuộc họp báo trực tuyến với sự tham dự của đại diện các báo ở cả TP.HCM và Hà Nội.
 
Tại cuộc họp, Chủ tịch VAMA, ông Laurent Carpentier, cũng là Tổng giám đốc công ty Ford Việt Nam, đã trình bày các con số so sánh lượng bán hàng các tháng đầu năm nay và năm ngoái. Theo đó, 4 tháng đầu năm nay VAMA bán được hơn 24 nghìn xe các loại, giảm tới 36% so với con số gần 38 nghìn xe của cùng giai đoạn năm ngoái. Nếu tính gộp cả các nhà nhập khẩu không thuộc VAMA, hiệp hội ước tính con số tiêu thụ từ đầu năm là hơn 29 nghìn xe, giảm tới 21 nghìn so với năm ngoái.
 
“Tổng sản lượng bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4 giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái”, VAMA nêu rõ, trong đó xe ôtô con giảm 49% và xe tải giảm 36%. “Xe tải giảm ít hơn vì ít bị tác động bởi các loại thuế và phí hơn so với xe con”, ông Carpentier giải thích.
 
Trong kiến nghị không áp dụng phí hạn chế phương tiện cá nhân gửi Chính phủ cách đây hơn một tháng, VAMA cho rằng thị trường ôtô sẽ ở mức 130 đến 140 nghìn xe trong năm 2012, tức là tương đương năm 2011. Tuy nhiên, theo dự báo gần đây nhất của các thành viên VAMA, thị trường sẽ giảm xuống mức chỉ còn 100.000 xe trong năm 2012, giảm 27% so với năm 2011. Còn nếu chỉ dựa vào số liệu bán hàng thực tế của tháng 4, tính toán theo Hệ số Điều chỉnh Theo mùa (SAAR), VAMA nhận định tổng lượng xe bán được của toàn ngành (cả VAMA và các doanh nghiệp khác) trong năm 2012 sẽ giảm xuống chỉ còn 81.000 xe, tức là thấp hơn cả năm 2007.
 
Dự báo  
 
“Ngành công nghiệp ôtô đang ở trong tình trạng báo động’, VAMA kết luận. Theo hiệp hội, các doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, VAMA tính rằng nguồn thu từ thuế của nhà nước sẽ bị thiệt hại khoảng 6 nghìn tỷ đồng (290 triệu USD) trong 4 tháng đầu năm 2012. Con số này có thể tăng lên thành 12 tỷ USD, hay khoảng 25 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2018 nếu tình hình tiếp tục bi đát.
 
Trả lời về câu hỏi có phải nguyên nhân khiến doanh số thị trường ôtô đổ dốc là do khó khăn chung của toàn ngành kinh tế, ông Carpentier nhấn mạnh yếu tố ảnh hưởng lớn nhất chính là các loại thuế và phí liên tục được đề xuất và áp dụng từ đầu năm.  “Chúng tôi không nghĩ nhiều về những khó khăn của toàn bộ nền kinh tế”, ông nói. “Chúng tôi nghĩ nhiều hơn đến tác động của việc tăng thuế và phí, đặc biệt là đề xuất phí hạn chế phương tiện cá nhân (của Bộ Giao thông vận tải). Loại phí này tăng dần theo từng năm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường”.
 
Để nhấn mạnh, ông Carpentier dẫn chứng tính toán của Bộ Công thương, nếu không bị ảnh hưởng bởi các loại thuế phí, tới năm 2020 thị trường ôtô Việt Nam có thể đạt mức hơn 400 nghìn xe. Ngược lại, con số này là 179 nghìn xe và từ giai đoạn sau đó, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu ôtô. Thay mặt VAMA, ông Carpentier cũng đề xuất hủy bỏ các đề án về thuế phí, “không bao giờ thu nữa”, đồng thời giảm phí trước bạ về mức 5% đối với xe con. “Nếu làm như thế, thị trường ôtô sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại như trước đây”, ông nói.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn