Mỹ kiện Trung Quốc và những cơ hội chính trị

Ngày 7/7, Mỹ đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì đã áp khoản thuế trị giá 3,3 tỷ USD đối với xe được sản xuất tại Mỹ. Nhưng phía sau nó là những cơ hội chính trị để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa công kích nhau trong cuộc bầu cử sắp tới.

Động thái này diễn ra cùng lúc Tổng thống Barack Obama thực hiện vận động tranh cử tại thành phố Ohio, một tiểu bang quan trọng trong chiến dịch tranh cử nơi các nhà sản xuất xe hơi bị ảnh hưởng nặng bởi các khoản thuế này.
 
Chiến dịch tái tranh cử của ông Obama đã tìm cách hạ bệ đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney, người chủ trương chuyển một số công ăn việc làm của người Mỹ sang Trung Quốc, và khai thác sự lo lắng của công chúng về tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở Mỹ như một yếu tố tác động tới kết quả bầu cử vào tháng 11 tới.
 
"Người Mỹ không ngại cạnh tranh”, Obama đã nói với đám đông ủng hộ ở Ohio. “Miễn là chúng ta đang cạnh tranh trên một sân chơi công bằng thay vì một sân chơi không công bằng, chúng ta sẽ làm tốt. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng cạnh tranh là công bằng”.
 
Ông Barack Obama bắt đầu chiến dịch tranh cử kéo dài hai ngày bằng xe buýt từ hôm 7/7 và sẽ kết thúc ở Pennsylvania, nơi mà những mối đe dọa đến công ăn việc từ Trung Quốc cũng đang phủ bóng đen lên các cử tri.
 
“Điều quan trọng là Trung Quốc phải chơi theo đúng luật lệ của hệ thống thương mại toàn cầu. Nếu không như vậy, chính quyền Obama sẽ hành động để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và công nhân Mỹ đang cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng", một quan chức cấp cao đã cho biết trước khi đơn khiếu nại được nộp.
 
Các khoản thuế thương mại đang đánh vào hơn 80% lượng xe xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, bao gồm cả xe được sản xuất tại các thành phố mà ông Obama đang vận động tranh cử.
Giữa tháng 12/2011, Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, đã công bố kế hoạch áp đặt thuế chống bán phá giá khá cao, 12,9% đối với GM và 8,8% đối với Chrysler.
 
Phải cứng rắn với Trung Quốc
 
Chính quyền Obama đã tìm cách để thể hiện rằng họ đang cứng rắn với Trung Quốc trong khi không đi quá đà với đối thủ mà Mỹ vẫn cần phải hợp tác trên một số mặt trận quan trọng, bao gồm cả vấn đề Iran, Triều Tiên và Sirya.
 
Việc khiếu nại lên WTO là để củng cố thông điệp đó và chống lại những lời chỉ trích từ Romney rằng Obama đã không đủ nghiêm khắc với Trung Quốc. Ngoài ra chiến dịch của ông Obama cũng đã “nện” Romney một đòn nặng khi tung ra các báo cáo rằng Bain Capital, công ty tư nhân do Romney lãnh đạo, đã đầu tư vào những công ty với các hoạt động kinh doanh dựa trên thị trường lao động giá rẻ như Trung Quốc.
 
Các hãng xe Mỹ thường không muốn nhận xét về xung đột thương mại Mỹ-Trung. Nhưng Scott Paul, giám đốc điều hành của Alliance for American Manufacturing, một tổ chức quảng bá sản phẩm và nền sản xuất của Mỹ, đã ca ngợi động thái của Obama.
 
“Công nhân và các nhà sản xuất Mỹ ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Obama để bắt đầu một hành động thương mại chống lại thuế xe hơi vô lý của Trung Quốc", Scott Paul nói.
 
Mitt Romney phản pháo
 
Chiến dịch tranh cử của Romney, như mong đợi, khẳng định rằng động thái này của Tổng thống Obama là một trong những cơ hội chính trị.
 
“Sự chuyển biến trong năm bầu cử tổng thống của ông Obama về Trung Quốc chỉ là một trong chuỗi dài những thất vọng và thất hứa”, Lanhee Chen, giám đốc chính sách cho chiến dịch của ông Romney, nói “Người dân Mỹ đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo đủ cứng rắn hơn với Trung Quốc và yêu cầu họ chơi theo đúng luật, chứ không phải là một người sắp đặt thời gian cẩn thận để hành động của mình trùng khớp với một cuộc vận động bằng xe bus tại các bang quan trọng trong những tháng cuối nhiệm kỳ” Lanhee Chen thẳng thắn phê phán ông Obama.
 
Các khoản thuế chống bán phá giá của Trung Quốc vào xe hơi của Mỹ liên quan đến 92.000 chiếc xe, trị giá khoảng 3,3 tỷ USD. Khoản thuế này cũng đã áp dụng cho những chiếc xe của BMW Damler được sản xuất ở Mỹ với mức 2% và 2,7% tương ứng.
 
Áp thuế để cứu sản xuất trong nước
 
Khi Trung Quốc áp đặt các khoản thuế trên, lượng tiêu thụ xe hơi của nước này đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 13 năm, gây áp lực lên các nhà sản xuất nội địa trong khi lượng tiêu thụ của GM và các nhà sản xuất nước ngoài khác lại tăng mạnh. Và nhiều chuyên gia, ngay cả những chính khách cứng rắn của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã lên tiếng chỉ trích hành động áp thuế không công bằng của Trung Quốc. Hành động này được cho là để cứu sản xuất trong nước đang đình trệ tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
 
Yêu cầu tham vấn là bước đầu tiên trong thủ tục tố tụng tranh chấp của WTO và có nghĩa là các chính phủ phải tổ chức hội đàm ít nhất trong hai tháng để giải quyết tranh chấp. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Mỹ có thể yêu cầu thẩm phán WTO ra phán quyết với sự việc này.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn