Giờ yêu nước cũng phải mua xăng giá đắt phải không, ông Ruệ?

Trong một phát ngôn gây sốc ông Phan Thế Ruệ Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lý giải việc người dân trả thêm tiền thuế xăng dầu là một phần trách nhiệm bù đắp cho ngân sách nhà nước.

Ông Phan Thế Ruệ -Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Ảnh: Petrotimes

Ông Phan Thế Ruệ -Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Ảnh: Petrotimes

“Tăng thuế để bù đắp ngân sách”

Ngày 16/5, phát biểu tại Hội thảo Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ cho rằng, với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%, cần sớm tăng thuế nội địa mặt hàng này để đảm bảo nguồn thu ngân sách, xử lý hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông Ruệ cho biết: “Thuế nhập khẩu cắt giảm thì phải tăng thuế nội địa để bù đắp. Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, VAT, thuế bảo vệ môi trường. Tăng cái này, giảm cái kia thì tổng bán lẻ vẫn không thay đổi”.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nói thêm, hiệp hội rất ủng hộ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên khung tối đa 8.000 đồng/lít và nhiều lần khuyến nghị sớm triển khai tăng mức thuế này. Ông Ruệ cho rằng, nên đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách nhà nước. “Nghĩa vụ của người công dân phải nộp thuế, nộp ngân sách để bảo vệ đất nước”, ông Ruệ nói, bổ sung rằng việc điều chỉnh tăng thuế nội địa mặt hàng xăng dầu cần được thực hiện ngay trong năm 2018.

Mua xăng giá cao là trách nhiệm người dân?

Lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0% khi gia nhập WTO khiến nhiều người dân mong đợi giá xăng dầu sẽ giảm. Nhưng bởi nghĩa vụ với đất nước như cách biện hộ của ông Ruệ, họ phải tiếp tục chấp nhận mua xăng với mức giá không giảm, thậm chí còn tăng mạnh so với trước khi gia nhập WTO. Đi cùng với đó là hàng loạt các hàng hóa khác sẽ tăng theo giá xăng.

Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm của công dân với đất nước liên quan gì đến giá xăng? Vậy những người phản đối việc tăng giá xăng là… vô trách nhiệm với đất nước hay sao?

Trách nhiệm của người dân là lao động, đóng góp kinh tế, nộp thuế đầy đủ như quy định pháp luật. Đổi lại, họ cần các cơ quan nhà nước công khai, minh bạch về quản lý, về thủ tục, về điều tiết kinh tế.

Về đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu, chưa có gì gọi là minh bạch. Số ngân sách thu từ thuế môi trường trong kho bạc chưa đi vào cuộc sống thực tiễn môi trường mà người dân đối mặt. Trong khi ngân sách đang phải gánh vác các tập đoàn quốc doanh gây lỗ đầm đìa, trong đó có cả ngành xăng dầu thì nay người dân còn phải gánh thêm các loại thuế phí từ những cái sai nghiêm trọng không thuộc trực tiếp từ họ.

Năm 2016, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là hơn 42.000 tỷ đồng, nhưng số chi cho bảo vệ môi trường chỉ 12.000 tỷ đồng, và cụ thể chi ra sao, khoản còn lại được sử dụng cho mục đích gì thì chưa được công bố.

Trong những lần tăng giá xăng trước đó, Tập đoàn Xăng dầu cho biết, lý do là bị lỗ. Nhưng với những con số về lợi nhuận khổng lồ, quỹ bình ổn giá sử dụng không minh bạch, nay lại đề nghị tăng thuế môi trường đến 8.000 đồng, thì khách hàng không thể không nghi ngờ. Với cách lý luận bao biện của ông Ruệ thì nghĩa vụ bảo vệ đất nước của người dân đang bị đánh tráo để doanh nghiệp xăng dầu ngang nhiên móc túi người tiêu dùng vốn đã quá mệt mỏi, kiệt quệ mưu sinh ngày qua ngày.

Xin lỗi ông Ruệ, ủng hộ tăng giá xăng bằng ...mồm dễ lắm ông ạ. Đến bao nhiêu nghìn cũng dễ. Nhưng mà khó nghe lắm, thưa ông!