Giá cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể tăng nhờ quy định mới

Từ 1/11, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều thay đổi khi một loạt các quy định mới về hoạt động kinh doanh, điều hành giá xăng dầu chính thức có hiệu lực.

Liên Bộ Tài chính – Công thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 39/2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ BOG và điều hành giá xăng dầu, có hiệu lực thi hành từ 1/11/2014 với nhiều nội dung mới so với quy định hiện tại.
 
Thông tư này cho phép tăng chi phí kinh doanh xăng dầu định mức của doanh nghiệp, đồng thời chia nhỏ định mức này thành 3 loại khác nhau. Cụ thể, mức tối đa với chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng đã được nâng từ 860 đồng/lít như hiện tại lên mức 1.050 đồng/lít; dầu hỏa, dầu điêzen được tăng từ 860 đồng/lít lên mức tối đa là 950 đồng/lít và dầu madut, từ 500 đồng/kg sẽ tăng lên mức 600 đồng/kg. Như vậy, giả sử giá xăng dầu thế giới, thuế phí của ngày 1/11 không đổi so với ngày 31/10 thì giá cơ sở ngày 1/11 sẽ tăng so với ngày trước đó. Điều này sẽ tạo cơ sở để các doanh nghiệp “lỗ” và là tiền đề để tăng giá xăng dầu.
 
Trong Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu và có hiệu từ ngày 1/11/2014, đáng lưu ý là thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp phải tối thiểu 15 ngày với trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp đầu mối được tăng giá trong biên độ 3%, trên 3% thì phải xin phép.
 
Trong Thông tư liên tịch 39, liên Bộ cũng bổ sung thêm các quy định liên quan đến điều chỉnh giá. Theo đó, về sử dụng quỹ BOG xăng dầu, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng trong phạm vi đến 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, nhưng việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên bộ sẽ xem xét công bố việc sử dụng Quỹ cùng thời điểm công bố giá cơ sở.
 
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 4% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến 3%, và được sử dụng Quỹ BOG đối với phần tăng vượt 3% đến 4%. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 4% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến 3%, cộng thêm 50% của mức chênh lệch giá tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt 3% đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt từ 3% đến 7%; 50% còn lại được bù đắp từ Quỹ BOG.
 
Như vậy, chu kỳ tính giá giảm từ 30 ngày xuống còn 15 ngày, đồng thời được đánh giá là làm hài lòng người tiêu dùng hơn khi giảm biên độ tự điều chỉnh giá của các doanh nghiệp xăng dầu, tránh tình trạng tăng giá vô tội vạ như trước đây. Tuy nhiên, hầu như các lần doanh nghiệp từng đề xuất tăng giá đều nhận được sự đồng ý từ cơ quan quản lý nhà nước. Cũng có những lần Bộ chủ quản lên tiếng “tạm thời” không tăng giá xăng dầu để bình ổn thị trường trong nước, song chỉ một thời gian sau đó, cũng với lý do mà doanh nghiệp đưa ra, giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn