Doanh số toàn cầu sụt giảm, Harley-Davidson đóng cửa nhà máy

Khởi đầu năm 2018 có vẻ không mấy thuận lợi cho thương hiệu xe môtô cơ bắp Mỹ khi doanh số toàn cầu tiếp tục sụt giảm bắt buộc Harley-Davidson phải đóng cửa một nhà máy.

 
harley-davidson-dong-cua-nha-may-do-doanh-so-toan-cau-sut-giam-anh1
 
Harley-Davidson sẽ đóng cửa nhà máy ở thành phố Kansas (Mỹ), nơi xuất xưởng các dòng Softail, Sportster và Street để chuyển dời các khâu dây chuyền về nhà máy ở York, Pennsylvania hiện đang phụ trách lắp ráp các dòng Touring, CVO và Trike cùng các phụ tùng khác như khung xe, bình xăng, dè chắn bùn.
 
Việc đóng cửa nhà máy này sẽ ngốn của Harley-Davidson khoản tiền lên đến 200 triệu USD cho đến năm 2019, nhưng bù lại mỗi năm số tiền tiết kiệm được sẽ tăng từ 65 triệu USD lên 75 triệu USD sau năm 2020.
 
harley-davidson-dong-cua-nha-may-do-doanh-so-toan-cau-sut-giam-anh2
 
Trong khi đó, các dòng Street của Harley-Davidson đang được sản xuất ở Ấn Độ. Ngoài ra, một nhà máy lắp ráp ở Thái Lan cũng đang trong quá trình hoàn thiện để giảm thiếu mức thuế cao ở khu vực Đông Nam Á.
 
Quyết định đóng cửa nhà máy này của Harley-Davidson được đặt ra sau 4 năm doanh số trượt dài, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Doanh số toàn cầu của Harley năm 2017 tụt 6,7% so với năm 2016. Trong đó, thị trường Mỹ sụt giảm 8,5%. Doanh số ở các thị trường nước ngoài giảm 3,9%.
 
harley-davidson-fat-bob-2018
Harley-Davidson Fat Bob 2018
 
Ông Matt Levatich - Chủ tịch kiêm CEO Harley - cho biết: Việc đóng cửa nhà máy và các công đoạn cắt giảm nhân công khác nhằm giảm thiểu chi phí duy trì sẽ giúp Harley-Davidson đạt được mục tiêu dài hạn là “Phát triển thế hệ người chơi Harley mới trên toàn cầu.” Chiến dịch này được bắt đầu từ năm 2017 khi thương hiệu xe cơ bắp Mỹ tung ra 10 mẫu xe mới được điều chỉnh về thiết kế nhằm thu hút đối tượng biker trẻ trung, năng động hơn. Theo đó, Harley sẽ giới thiệu 100 mẫu xe mới trong 10 năm tới.