Báo chí nói có… và Toyota Việt Nam chẳng đóng cửa gì hết!

Suốt thời gian qua, truyền thông đua nhau đưa tin sùng sục về việc Toyota gần như sắp bỏ Việt Nam mà đi, đóng cửa nhà máy. Thêm dự báo các hãng xe khác cũng sẽ làm vậy, dư luận bàn tán râm ran… Ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam – trong lễ ra mắt chiếc Camry đời mới đã phải lên tiếng phủ nhận và bày tỏ sự ngạc nhiên tại sao lại nhầm lẫn như vậy!?

 
Thông tin dừng sản xuất ôtô để chuyển sang nhập khẩu toàn bộ trong năm 2018 tới đây khi thuế về 0%. Đó là chủ đề sôi sục khắp nơi với thị trường ô tô Việt Nam sau khi Toyota tổ chức buổi tổng kết và thông báo kế hoạch năm mới. Tất nhiên chủ đề dừng sản xuất và chỉ nhập xe về bán là câu chuyện vốn được nói ra nói vào gần 5 năm nay. Tất cả các bên liên quan, các nhà báo chuyên ngành đều hiểu câu chuyện này là 1 vấn đề “quốc gia đại sự” liên quan tới nhiều khía cạnh từ chính trị tới nền kinh tế chung, lợi ích quốc gia, quản lý xã hội và cả lợi ích doanh nghiệp… chứ không đơn thuần chỉ là việc đắt rẻ của 1 cái xe của 1 ông bà cá nhân đi mua xe!
 
Tuy nhiên chỉ khi thời hạn 2018 gần sát, khi Toyota họp tổng thể, khi nhà sản xuất với vị trí như cái phong vũ biểu của “làng” ô tô Việt lên tiếng bày tỏ sự lo ngại với viễn cảnh “mông lung” của chính sách sẽ làm họ khó nghĩ! Và khi một tờ báo hoành tráng nhưng chẳng liên quan gì đến “xe cộ” đăng đàn hô “cháy” thì khắp nơi những bài báo a dua hò hét như ô tô xứ này sắp “tuyệt chủng”! Rồi các chuyên gia kinh tế, các học giả sa-lông khi được hỏi cũng hùng hồn phân tích.
 
Câu chuyện nóng đến mức tưởng như Việt Nam không sản xuất ô tô thì chết. Tất cả cứ như là tranh nhau nói không thì sợ độc giả họ quên mất bản báo. Mà không hiểu rằng chả có nhà đầu tư nào bỏ tiền vào đây chỉ vì yêu thương. Họ nhìn thấy lợi ích, nhìn thấy nhu cầu của 1 thị trường cả trăm triệu dân với tỉ lệ xe hơi còn lác đác, đó là dài hạn. Chưa nói đến những yếu tố quản lý doanh nghiệp thuần túy trong nhu cầu hoạt động điều phối sản xuất vùng và khu vực của các hãng, ví như việc tận dụng nguồn lao động, vật tư hay thậm chí là cả chuyện tận dụng trang thiết bị sản phẩm dư thừa hết hạn…vv Thì chuyện sản xuất hay không sản xuất không chỉ vì lãi ít nhiều vài trăm đô 1 cái xe, không vì cái chuyện “thuế” mà vì có thể thu được lợi ích gì hay không, có thể thỏa thuận được gì với nhà quản lý hay không. Thời hạn thuế 0% chỉ là cái mốc để bắt đầu một cuộc “mặc cả” mới! Còn với nhà quản lý hay người mua xe thông thường thì có lẽ họ cũng chẳng quan tâm nhiều, ngoài việc thu được bao nhiêu thuế và mua được xe tốt rẻ.
 
Cho đến khi những lập luận hùng hồn lan ra tới cả những diễn đàn, trang mạng và cả quán “trà đá” của nhân dân. Những “nắm đấm” phát biểu, những câu hỏi móc máy xỉa cả sang những nhà sản xuất xe hơi khác… Thì đại diện Toyota Việt Nam cho biết: "TMV hoàn toàn không có ý định rời bỏ thị trường sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, Toyota luôn mong muốn phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Và không có việc TMV có ý định dừng sản xuất xe vào thời điểm 2018 tới đây”.
 
Ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc công ty Toyota Việt Nam, phủ nhận thông tin việc từ bỏ sản xuất ôtô tại Việt Nam
 
Ông Maruta cũng cho biết TMV luôn nỗ lực để nội địa hóa tăng lên, gia tăng “nội lực” cho việc sản xuất, góp phần lợi ích cho môi trường bản địa… TMV đã nâng tổng số lượng phụ tùng được nội địa hóa lên con số 270. Hiện tỉ lệ nội địa hóa trên các mẫu xe do Toyota Việt Nam lắp ráp đạt từ 19% đến 37% tùy theo từng mẫu xe, đặc biệt là mẫu Innova lên tới 37% (theo phương pháp tính giá trị của ASEAN). Bên cạnh đó ông cũng nhắc “khéo” rằng; vấn đề TMV lo ngại và mong ngóng là khi mốc 2018 hội nhập đến. Không chỉ là doanh nghiệp sẽ làm gì, mà là những chính sách, biện pháp của nhà quản lý cụ thể là như thế nào!? Để lợi ích tất cả các bên cùng được chia sẻ…
 
Nên có thể thấy ngay khi TMV phát đi tín hiệu sớm nhất, thì điều cần phải bàn không phải là đi gõ bên “làm cỗ” mà phải đi truy bên “ăn cỗ”.. Muốn ăn như thế nào thì người ta sẽ dọn cỗ như thế, chứ cỗ nào mà chả làm được! Còn nói nghiêm túc, điều mà đáng nhẽ ra những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân cần nói cần tác động. Việc làm sao để cho việc sản xuất hay kinh doanh của bất kì nhà đầu tư hay các nhà làm chính sách nào phải làm. Là đem lại được lợi ích cho đất nước, đem lại những sản phẩm tốt xứng với đồng tiền người tiêu dùng, không để Việt Nam trở thành cái bãi rác công nghệ, cái thị trường tiêu thụ đồ cũ… Thì không ai nói hoặc có khi cũng chả nghĩ nổi đến thế!

Tin tổng hợp

otoxemay.vn